Đám cưới xứ Huế năm 1991
Nhà trai dùng cả xe hoa, thuyền để đón dâu vào mùa mưa. Dù vất vả nhưng ai nấy đều hạnh phúc, coi là kỷ niệm đáng nhớ của cuộc đời.
Cô dâu, chú rể chụp ảnh bên mẹ cô dâu (áo hồng) và chị gái của mẹ cô dâu (áo đen). |
Đoàn Quang Gia Bảo, 27 tuổi, không giấu nổi niềm hãnh diện khi khoe những bức hình chụp đám cưới của bố mẹ cách đây 28 năm. Hôn lễ được diễn ra trong 3 ngày từ 12-14/12/1991 ở nhà gái (trung tâm thành phố Huế) và nhà trai (xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Trong đám cưới, mẹ của Gia Bảo - cô dâu Lê Thị Ái Phương đã thay 7 áo dài và váy, còn chú rể Đoàn Cạnh diện một bộ comple đơn giản. Lý giải về điều này, Gia Bảo xúc động nói: "Bà ngoại tôi vốn sống một mình, mưu sinh bằng nghề bán chuối ở chợ Xép, đường Ngô Đức Kế, TP Huế. Một ngày của năm 1973, bà được người quen làm ở nhà hộ sinh kể về một em bé bị bỏ rơi. Bà liền nhận người này làm con với giá 10 nghìn đồng, luôn coi là con đẻ và đó chính là mẹ tôi. Khi mẹ muốn cưới chồng ở tuổi 18, bà đã bán hết chuối để lo một đám cưới tươm tất cho mẹ. Bà muốn mẹ thật đẹp nên mới thuê cho mẹ nhiều váy, áo tới vậy".
Giống với phần lớn đám cưới thập niên 1990 - 2000, hôn lễ của bố mẹ Gia Bảo có sự góp sức của nhiều thành viên trong gia đình. Cô dâu được người cô chồng trang điểm, làm tóc. Họ hàng đôi bên đều tự tay dựng rạp, trang trí tư gia trong vòng 2-3 ngày và tự nấu cỗ cưới.
"Tôi được nghe bà, mọi người kể lại rằng đám cưới ngày ấy linh đình lắm. Các cậu của tôi thức mấy đêm liền để trang trí tư gia nhà gái. Vào ngày cưới, mọi người dậy từ sớm nấu cỗ, mổ tận 2 con heo, rượu chất đầy nhà. Đàng gái chuẩn bị 10 mâm tiệc, còn đàng trai nấu khoảng 12-13 mâm. Sau đám cưới, bà ngoại còn cho ba mẹ vay tiền mua xe Cub, trị giá 4 cây vàng để làm ăn", Gia Bảo tiết lộ.
Cô dâu phải xắn quần để vượt qua vũng nước. |
Đám cưới cũng có đặc trưng của hôn lễ xứ Huế. Đội ngũ rước dâu gồm hai người cầm đèn lồng sánh bước, lọng che rình rang và dàn phù dâu mặc áo dài vàng nền nã. Hoa cưới là lay ơn và được bó theo kiểu thác đổ. Do đám cưới diễn ra trùng mùa mưa, lũ, nước chưa rút nên nhà trai vừa phải dùng xe hoa, vừa thuê thuyền vượt vùng lụt lội, sình lầy để đón dâu. Mấy người cậu (con của anh trai bà ngoại Gia Bảo) vì lội qua khúc nước cạn mà té ướt nguyên người. Dù vất vả là vậy nhưng ai nấy đều xem đây là kỷ niệm đáng nhớ trong đời.
Bên cạnh những ký ức khó phai của đám cưới, chuyện tình yêu của bố mẹ Gia Bảo cũng chứa đựng nhiều điều thú vị không kém. "Thuở thanh niên, bố tôi từ làng Sơn Tùng, tỉnh Thừa Thiên Huế lên thành phố lập nghiệp. Bố theo học nghề điện từ cậu tôi và tình cờ gặp được mẹ. Vì mê mẹ quá nên ngày nào bố cũng lấy cớ để tới gặp mẹ. Tôi không rõ bố làm thế nào mà 'tán đổ' mẹ tới mức mẹ nằng nặc đòi bỏ học để cưới chồng. Bà ngoại và các cậu khuyên thế nào cũng không được nên đồng ý để mẹ kết hôn", Bảo tiết lộ.
Sau đám cưới, chú rể quyết định lập nghiệp ở quê cô dâu để vợ luôn được ở gần mẹ. Từ khi bắt đầu cuộc sống hôn nhân, uyên ương đều "thuận vợ, thuận chồng" nên rất hiếm khi cãi nhau. Lần bất đồng duy nhất của cả hai đã cách đây 11 năm. Khi đó, bố Bảo thường phải gặp đối tác buổi tối, đi ăn uống. Mẹ cậu giận vì chồng về muộn, đóng cửa phòng một ngày. Từ ấy, bố cậu luôn về nhà lúc 17h30 vì thương, lo vợ buồn.
Gia Bảo (thứ 2 từ trái sang) còn có 3 em gái. Ảnh chụp đại gia đình Gia Bảo gồm: Bà ngoại, bố, mẹ, Gia Bảo, 3 em gái và em rể. |
Gia Bảo cho biết bố mẹ cậu cũng là người rất thương con cái. "Ngày tôi nói với bố mẹ rằng mình thuộc giới tính thứ 3, mẹ khóc suốt, bố không nói gì. Nhưng sau 3 năm, bố mẹ dần chấp nhận con người thật của tôi. Bây giờ, bố còn có thể nói đùa với mọi người rằng: 'Tui không có con trai nên tui kêu hắn làm con trai luôn đó'", Bảo tâm sự.
Hằng Trần
Ảnh:
NVCC